Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SÂN KHẤU ĐIỆN ẢNH TPHCM: ĐẦU TƯ CHO CẢI LƯƠNG

       


 


        
(CLVN.VN) - Lớp diễn viên cải lương thuộc khoa kịch hát dân tộc ra đời cùng với sự thành lập trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh ( ĐH SK- Đ Ả). Trải qua nhiều năm phát triển, lớp cải lương luôn được nhà trường chú trọng đầu tư, nhằm lưu giữ, truyền dạy bộ môn nghệ thuật dân tộc này cho lớp trẻ.

Những năm gần đây, cải lương đến gần với công chúng hơn, qua nhiều hình thức biểu diễn. Nhờ thế, một lớp diễn viên cải lương trẻ đã được bồi dưỡng, trở thành những thế hệ kế thừa tài năng của loại hình nghệ thuật này. Tuy không thể so sánh với các tài danh một thời như Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Sang, Minh Vương…, song các nghệ sĩ cải lương trẻ cũng đã và đang mang lại những màu sắc tươi mới cho làng cải lương nước nhà.
 
Đáp ứng nhu cầu của các học viên yêu thích cải lương, đồng thời tìm kiếm những tài năng cải lương mới, trong năm học này, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM đã tiến hành mời các bậc nghệ sĩ gạo cội về trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn cho sinh viên. Người đầu tiên nằm trong danh sách này là NSND Bạch Tuyết, cô hiện đang giảng dạy bộ môn Kỹ thuật biểu diễn cho lớp Cao đẳng diễn viên cải lương K 10 của trường.
 
Lớp Cao đẳng diễn viên cải lương này chỉ vẻn vẹn mười học viên, gồm 6 nam, 4 nữ đều có tuổi đời rất trẻ. Các bạn phần lớn đều là con em của vùng Nam bộ, được nghe cải lương từ thuở tấm bé, yêu thích và mong muốn đưa giọng ca của mình đến với công chúng mộ điệu. Cẩm Nguyên cho biết : “ Ngay từ bé em đã được nghe cải lương rồi và ba mẹ cũng dạy cho em hát nữa. Nhận thấy mình ca cũng được nên em đã quyết tâm thi vài trường để thực hiện giấc mơ của mình “. Bạn Quốc Vị cũng đã từng bỏ học giữa năm lớp 11 để đi theo đoàn CL Bến Tre cho thỏa nỗi niềm đam mê. Theo đoàn được một thời gian, cũng được giao những vai kép nho nhỏ, thấy Vị có khả năng, các cô chú trong đoàn đã động viên Vị nên đi học để được đào tạo trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Thế là Vị “ khăn gói “ lên Thành phố và bây giờ thì Vị cũng đang là sinh viên năm hai của lớp Cao đẳng diễn viên K 10 này.
 
Không giống các lĩnh vực khác, muốn gắn bó với cải lương, các bạn sinh viên ngoài niềm đam mê còn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức từ gia đình. Bởi lẽ ở thời hiện đại, khi các ngành công nghệ, kinh tế đang “ hót “ thì không mấ bậc cha mẹ cổ vũ con mình trở thành nghệ sĩ cải lương. “ Lúc đầu ba mẹ em cũng không đồng ý, nhưng vì thấy em thích quá, lại quyết tâm thi cho bằng được nên cũng xiêu lòng “, Cẩm Nguyên chia sẻ thêm.


Tuy có năng khiếu bẩm sinh song để trở thành một nghệ sĩ cải lương thực thụ lại là cả một quá trình luyện tập gian nan. Bước vào kỳ học đầu tiên, sinh viên sẽ được làm quen với những khái niệm khái quát về bộ môn cũng như kỹ thuật ca cổ. Sau đó các bạn sẽ được học các bộ môn như Kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo, hóa trang … và từng bước làm quen với những tuồng cải lương. Đây là những “ học phần “ chủ đạo trong chương trình học của lớp cải lương, mỗi bộ môn đều có những đặc điểm riêng, giúp sinh viên có thể nắm bắt được làm thế nào để trở thành một nghệ sĩ cải lương.
 
“ Cải lương càng học càng thấy hay và càng thấy khó “ - Đó hầu như là lời tâm sự của các bạn sinh viên tham gia lớp học này. Chính vì vậy mà theo các bạn, việc được học với một nghệ sĩ gạo cội như NSND Bạch Tuyết là một cơ hội rất lớn để các bạn có thể “ vượt lên chính mình “. Cô Võ Thị Thanh Hà - Giảng viên môn Kỹ thuật biểu diễn của trường chia sẻ : “ Với những kinh nghiệm quý báu trong nghề, cộng thêm kiến thức uyên bác, NSND Bạch Tuyết không chỉ truyền cho các em những kỹ năng ca hát mà còn giúp các em nhận ra tính bác học, những tinh hoa, tinh túy của loại hình nghệ thuật này.  Đồng thời chị cũng thổi vào tâm hồn của các em sự tự tin, giúp các em can đảm bộc lộ bản thân, nhận ra được đâu là điểm mạnh của mình để phát huy và những điểm yếu nào cần phải khắc phục “. 
 
Tuy chỉ đứng lớp vào hai ngày thứ tư và thứ sáu hàng tuần nhưng lượng kiến thức mà các sinh viên nhận được từ cô Bạch Tuyết không hề ít. Các bạn sinh viên cô trực tiếp sửa những lỗi sai, rèn giũa từng câu ca, lời thoại sao cho cuốn hút người nghe hơn …
 
Được biết, các thầy cô trong khoa cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi để các sinh viên của mình có cơ hội cọ xát với thực tế qua những lần tham gia liên hoan, hội diễn … Và các bạn, ngoài giờ học, nếu có lời mời, các bạn cũng tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc đi hát show, hát cho các chùa … để vừa thực hạnh, vừa có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
 
Không chỉ đào tạo chính quy, mà hiện nay, nhà trường cùng với khoa Kịch hát dân tộc cũng đã mở những lớp đào tạo ngắn hạn dành cho các bạn yêu thích cải lương ở mọi lứa tuổi. Đây cũng là một trong những hành động thiết thực để góp phần đưa cải lương ngỳ một đến gần với công chúng trẻ hơn. Được biết, hiện nay, Nhà nước đã có chính sách giảm 70% học phí cho sinh viên theo học các lớp kịch hát dân tộc. Trong vài năm tới, Nhà nước sẽ thực hiện giảm hoàn toàn 100% học phí cho các bạn sinh viên theo học các ngành này. Đây là một dấu hiệu tốt trong khi các bộ môn nghệ thuật truyền thống ngày càng bị xem nhẹ, cho thấy sự quan tâm của Nhà nước vào việc khôi phục và phát triển nghệ thuật dân tộc. Nhờ thế, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc với cải lương, phát huy năng khiếu của bản thân và thực hiện ước mơ của mình. Hy vọng trong tương lai, nền cải lương nước nhà sẽ được chào đón những nghệ sĩ cải lương tài năng với những làn điệu mới mẻ, đưa nghệ thuật cải lương lan truyền ra nhiều vùng miền, làm nên một thời đại hoàng kim mới.

NSND BẠCH TUYẾT : TRUYỀN “ LỬA “ NGHÊ

 
** Thưa cô, sau lớp trung cấp diễn viên cải lương của Nhà hát THT thì đây là lớp sinh viên chính quy thứ hai mà cô trực tiếp tham gia giảng dạy. Sau một thời gian đứng lớp, cô nhận thấy, những sinh viên của mình có những mặt mạnh và những mặt nào cần phải khắc phục?
 
NSND Bạch Tuyết : Tôi rất cảm ơn nhà trường và khoa kịch hát dân tộc đã tin tưởng, mời tôi về đứng lớp. Tôi luôn trân trọng những thế hệ trẻ và tôi luôn hết lòng hun đút tinh thần, truyền “ lửa “ nghề cũng như sẵn sàng chia sẻ với các bạn. Đối với tôi, các sinh viên của mình đều là những bạn trẻ rất yêu nghề và hết lòng với ngành học hình đã chọn. Trong tất cả ngành nghề khi bạn hết lòng và tử tế với nó, chắc chắn bạn sẽ thành công.
 
** Kỹ thuật biểu diễn là một bộ môn khó. Bằng cách nào cô có thể giúp cho các sinh viên của mình có thể tiếp thu bài học một cách tốt nhất mà không cảm thấy bị áp lực nặng nề?
 
NSND Bạch Tuyết : Đối với tôi, bộ môn nào liên quan đến nghệ thuật ca kịch dân tộc cũng đều rất khó. Tuy tôi đảm nhận vai trò giảng viên dạy về kỷ thuật biểu diễn nhưng tôi vẫn luôn nhắc nhở các bạn cần trau dồi và học thật tốt các môn còn lại. Trong nghề này, các kỹ năng luôn hỗ trợ, cộng hưởng với nhau. Vì vậy, trong những buổi lên lớp, tôi luôn mở rộng bài giảng để thông qua kỹ thuật biểu diễn tôi giúp các em cách nhấn nhá câu chữ, cách luyến láy … ( tiếng nói sân khấu ) và các hành động tinh tế, đúng tâm lý nhân vật trên sân khấu. Đặc biệt, tôi luôn áp dụng câu nói bất hủ trong giáo dục của mình “ Học đi đôi với hành “ .
 
** Cô có đặt nhiều kỳ vọng vào sinh viên của mình?

NSND Bạch Tuyết : Quan điểm của tôi từ trước đến giờ là làm mọi việc hết lòng và tử tế … Tôi cũng không có thói quen đặt nhiều kỳ vọng về một việc gì đó. Nếu có, tôi chỉ hy vọng các sinh viên của mình trươc khi học nghề để trở thành nghệ sĩ thì các em cần học cách để trở thành một con người tử tế. Biết hiếu thảo với gia đình, kính trọng các bậc tiền bối, biết chia sẻ, quan tâm những mảnh đời bất hạnh xung quanh mình.
Cám ơn cô về cuộc phỏng vấn nhắn này.
Theo: ngocanh
Nguồn tin: Báo sân khấu
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét