Trường không bố trí được phòng y tế
hoặc có phòng y tế nhưng gần như luôn đóng cửa im ỉm, không có y tá trực. Có
trường không có cả y tá mà cô giáo phải kiêm luôn y tá. Học sinh - sinh viên
mua bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng có bệnh cũng chẳng dùng đến. Nhân viên y tế học
đường không được biên chế nên “nửa dơi nửa chuột”.
nguồn: http:/wwwbaomoi.com
Bảo mẫu kiêm y tá
Cứ mỗi buổi sáng tại Trường Mầm
non H. (quận 1, TPHCM) đều có cô giáo ngồi bên cái bàn nhỏ ngay sân trường để
phụ huynh… gửi thuốc. Có hôm cô bận việc không ngồi nhận thuốc được thì phụ
huynh cứ để thuốc lại trên bàn và ghi vào sổ tên bé và cách uống thế nào. Đến
giờ vào lớp, cô giáo kiêm nhân viên y tá sẽ giao thuốc về từng lớp để cô phụ
trách cho uống.
“Phụ huynh gửi thuốc uống sao thì
cho uống thôi. Còn định kỳ các cháu vẫn uống thuốc xổ giun, khám sức khỏe của
trạm y tế phường”, cô giáo kiêm “y tá” cho biết.
Tại Trường Mầm non phường 5 (quận
10, TPHCM), do trường đang xây dựng nên chưa có phòng y tế, chỉ có góc y tế
và tủ thuốc do các cô giáo phụ trách tại các lớp. Theo hiệu trưởng nhà
trường, khi các em có dấu hiệu sốt thì giúp hạ sốt và liên hệ phụ huynh dẫn
các em về chứ cán bộ y tế trường không can thiệp nhiều và cũng không nhận
thuốc phụ huynh gửi…
Theo khảo sát, hầu hết các trường
mầm non đều không có phòng y tế mà chỉ có y tá, thậm chí nhiều nơi cô giáo
không có chuyên môn y khoa nhưng cũng kiêm y tá. Trong khi đó, các trường
tiểu học và trung học cơ sở, phòng y tế là bắt buộc. Tuy nhiên, cũng không ít
trường, việc bố trí phòng y tế cũng chỉ mới là hình thức.
Tại
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM), phòng y
tế có 2 giường nằm, tủ thuốc với các loại thuốc đau bụng, nhức đầu thông
dụng, kẹo ngậm đau họng, băng keo cá nhân, bông gòn, gạc y tế, thuốc khử
trùng, nước muối sinh lý, cồn… Cô Nguyễn Kim Lý có bằng Đại học Nông nghiệp
ngành chăn nuôi thủy sản nhưng có thêm trình độ sơ cấp dược nên phụ trách
Phòng Y tế. Cô cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 50 lượt học sinh
xuống phòng y tế. “Thường các em bị bỏng, trầy xước, đau bụng, sốt và được sơ
cứu, sau đó liên hệ phụ huynh để đưa các em về, trường hợp nặng chuyển đi cấp
cứu”, cô Lý nói.
Thực tế cho thấy, công tác y tế học đường hiện nay còn nhiều bất cập. Không chỉ sơ sài về cơ sở trang thiết bị, hạn chế nhân lực mà ngay cả chuyên môn cũng đáng lo ngại. Theo Bộ Y tế, ngay ở chính các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, y tế học đường còn hạn chế chứ chưa nói các tỉnh thành, vùng nông thôn. Trong khi đó, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình bệnh tật học đường đang ngày một gia tăng, nhất là các đợt dịch bệnh như tay chân miệng, đau mắt đỏ, cúm, đang rình rập các trường học. Hiện tỷ lệ cong vẹo cột sống của học sinh cả nước đã là 10,1%, tỷ lệ cận thị là 13,5%, tỷ lệ sâu răng của nam học sinh là 58% và nữ là 51,6%. Qua khảo sát cũng cho thấy có tới 30% số trường chưa có đủ nước uống và nguồn nước sinh hoạt phục vụ học sinh và giáo viên, 32% số trường chưa có nhà vệ sinh hợp vệ sinh, 25% trường học chưa có hệ thống thu gom xử lý rác, gần 40% trường có bếp ăn tập thể, căn tin chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh.
Có bảo hiểm y tế cũng như không
Đưa
con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, chị Hoàng Thị Nguyệt (ngụ quận 7, TPHCM)
chìa ngay thẻ BHYT của một công ty bảo hiểm nhân thọ. Khi được hỏi sao không
đưa thẻ BHYT học sinh, chị Nguyệt thẳng thắn là mua bảo hiểm bên ngoài để
được hưởng quyền lợi cao hơn. Một cán bộ giám định BHYT tại Bệnh viện Nhi
đồng 2 cho biết một bộ phận không nhỏ học sinh - sinh viên hiện nay có mua
BHYT tại nhà trường nhưng không dùng đến bởi đã được phụ huynh mua BHYT bên
ngoài. “Nhà trường quy định phải mua BHYT, không mua không được nhưng tôi
cũng mua cho cháu một cái nữa cùng với cả gia đình của một công ty bảo hiểm
nhân thọ”, chị Phan Trúc Loan (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết.
Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, năm học 2012 - 2013, đã có gần 1,4 triệu học sinh - sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 86,72%. Trong năm học vừa qua, kinh phí mà BHXH trích để lại cho y tế học đường là trên 57 tỷ đồng. “Nhờ nguồn kinh phí này, hệ thống y tế học đường được ổn định, trang thiết bị y tế trường học được bổ sung, hỗ trợ chi trả tiền lương và phụ cấp cho cán bộ y tế, giáo dục chống các bệnh học đường, bệnh xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường”, một cán bộ BHXH TPHCM nói. Thế nhưng, thực tế số tiền này có được sử dụng một cách hiệu quả hay không chưa thể chứng minh được! Theo quy định hiện nay, mức đóng BHYT của học sinh - sinh viên là 3% mức lương cơ sở, trong đó học sinh - sinh viên đóng 70%, còn lại 30% do ngân sách hỗ trợ. Với số tiền này, BHXH sẽ cấp lại 10,8% để các trường chi công tác y tế học đường, nhưng xem ra y tế học đường vẫn còn lẹt đẹt. Hoạt động y tế học đường là rất quan trọng trong bối cảnh bệnh tật đang có xu hướng gia tăng ở trường học, nhất là các dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó, việc đầu tư cho y tế học đường cả về cơ sở vật chất, nhân lực là cần thiết. Theo các chuyên gia y tế, trước hết cần xây dựng, bổ sung tiêu chuẩn và nội dung công tác y tế học đường, chính sách về sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT tại các nhà trường, bố trí đảm bảo ít nhất mỗi phòng y tế trường học có một biên chế trình độ trung cấp y tế trở lên, không dùng quỹ khám chữa bệnh BHYT tại các trường để trả lương cho cán bộ y tế.
TƯỜNG
LÂM - CHÚC THỦY
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét